Tìm kiếm tin tức
Hội thảo khoa học quốc gia – Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển
Ngày cập nhật 23/10/2023

 (CTTĐT) - Chiều ngày 21/10, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với các Sở: Khoa học và Công nghệ, Y tế, Du lịch, Văn hóa và Thể thao; Bệnh viện Trung ương Huế; Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế; Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; các Hội thành viên: Đông y, Châm cứu, Khoa học Lịch sử tỉnh và các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề “Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển”. Đến dự hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đại diện các sở, ban, ngành, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành y học, sử học, văn hóa, kinh tế, du lịch.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ThS Trần Như Đăng Tuyên - Phó Chủ tịch Liên hiện các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cho biết Thái Y viện ở Việt Nam ra đời vào thời vua Lý Thần Tông và được phát triển qua triều Trần, Hồ, Lê, thời chúa Nguyễn và Tây Sơn. Tuy nhiên, dưới triều Nguyễn, Thái Y viện đã trở thành một tổ chức Y Dược cho triều đình hoàn chỉnh nhất. Thái Y viện triểu Nguyễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ y dược; trong đó, nhiệm vụ khám chữa bệnh trong cung đình được đặt lên hàng đầu. Việc cho thành lập, đặt các chức quan, tiến hành xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng thầy thuốc, đưa Thái Y viện đi vào hoạt động đã cho thấy sự quan tâm của các đời vua Nguyễn đối với lĩnh vực y tế; thừa nhận vị trí, vai trò của ngành y học trong hoạt động đời sống của con người.

Mục đích hướng đến của Hội thảo là: Làm rõ về lịch sử hình thành, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức nhân sự, quá trình hoạt động của Thái Y viện - cơ quan y tế cao nhất dưới triều Nguyễn; cung cấp thêm các tư liệu về các bài thuốc, vị thuốc và phương pháp chữa trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo y học cổ truyền có nguồn gốc từ đây; đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác về thành tựu và hạn chế của Thái Y viện dưới triều Nguyễn; khẳng định những đóng góp to lớn của cơ quan y tế này đối với triều Nguyễn nói riêng và nền y học cổ truyền dân tộc nói chung; định hướng khai thác tài nguyên kiến thức Thái Y viện cho sản phẩm phục vụ phát triển du lịch đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu dược phẩm cho thị trường nhằm nâng cao cơ hội sinh kế cho cộng đồng cư dân địa phương.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Thái Y viện triều Nguyễn trong thời gian qua, làm định hướng cho các nhà quản lý, nhà khoa học nghiên cứu và phát huy hiệu quả những nguồn dược liệu quý, các bài thuốc, các phương pháp chữa trị và bảo vệ sức khỏe theo y học cổ truyền có nguồn gốc từ cung đình chọn lọc đưa một số hoạt động và phương thuốc vào chương trình du lịch chăm sóc sức khỏe tại Thừa Thiên Huế, nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch đặc trưng của Cố đô Huế. Đồng thời, để phát triển bền vững, đặt ra vấn đề là đề xuất chính sách, sự phát triển trong các lĩnh vực văn hoá, du lịch, y tế, quản lý y học cổ truyền góp phần vào phát triển kinh tế xã hội; sưu tầm sách về y học cổ truyền, dược liệu, bài thuốc quý trong nhân dân để lưu trữ, nghiên cứu và phát triển những bài thuốc, dưỡng sinh ăn uống; bảo tồn, phát triển dược liệu, dựa vào nguồn dược liệu làm chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại hội thảo, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết trong những năm qua, công tác nghiên cứu liên quan đến Thái Y viện triều Nguyễn cũng như các hoạt động sưu tầm, biên dịch và triển khai ứng dụng nền y học cổ truyền xuất phát từ Thái Y viện triều Nguyễn đã từng bước được chú trọng. Trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống y dược, ngày nay hệ thống y dược Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển mạnh mẽ; với Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế; có tuyến y tế địa phương đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, xây dựng Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao ý nghĩa hội thảo mang tầm quốc gia. Trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống về y dược từ Thái Y viện triều Nguyễn, làm thế nào để phát triển nền Y học cổ truyền ứng dụng trong hiện đại, phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân, khai thác dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng gắn với y thuật cung đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, đề xuất cơ chế chính sách để làm rõ vai trò của Thái Y viện, làm sao thúc đẩy giá trị của Thái Y viện triều Nguyễn trong hệ thống y tế. Thông qua hội thảo lần này đặc biệt cần có những ý kiến đóng góp liên quan cơ chế chính sách, nguồn lực nhằm phát triển Y học cổ truyền, góp phần trong công chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát huy vai trò của Thái Y viện trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, gắn liền với quá trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tin tưởng qua hội thảo này chắt lọc các ý kiến đóng góp và tham mưu cho UBND tỉnh trong thời gian tới. Mong muốn qua hội thảo, các nhà nghiên cứu cùng quý vị đại biểu dành thời gian thảo luận để tìm ra nét giá trị đặc trưng, giá trị tinh hoa của Thái Y viện triều Nguyễn, nhằm đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị y dược cổ truyền, gắn liền với bản sắc văn hóa Huế.

Ban Tổ chức đã nhận được hơn 40 báo cáo tham luận từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành y học, sử học, văn hóa, kinh tế, du lịch trên toàn quốc tập trung vào hai nội dung: “Giá trị lịch sử của Thái Y viện triều Nguyễn” và “Thái Y Viện triều Nguyễn: Triển vọng phát triển”. Đây là nguồn tư liệu quý để phục vụ cho nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để phục dựng lại di sản Thái Y Viện triều Nguyễn nhằm khôi phục những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc, đưa vào quảng bá, khai thác và phát triển kinh tế – du lịch – dịch vụ ở Thừa Thiên Huế.

Trong những năm qua, tại Huế, các hội nghị, hội thảo, dự án nghiên cứu liên quan đến Thái Y viện triều Nguyễn -cơ quan nghiên cứu y thư, chuyên trách chăm sóc sức khỏe cho vua, hoàng gia cũng như các hoạt động sưu tầm, biên dịch và triển khai ứng dụng nền y học cổ truyền xuất phát từ Thái Y viện triều Nguyễn đã thu được một số thành quả nhất định. Hầu hết các hoạt động trên thực hiện ở một khía cạnh cụ thể về lịch sử hoặc y tế mà chưa thực hiện một cách tổng thể mang tính đa ngành đa lĩnh vực. Thông qua hội thảo lần này, góp phần đánh giá một cách hệ thống, định hướng bảo tồn, kế thừa và phát triển giá trị di sản có nguồn gốc từ Thái Y viện dưới triều Nguyễn phục vụ phát triển du lịch, kinh tế – xã hội một cách hữu hiệu.

nguồn: thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 974.100
Truy cập hiện tại 228