Tìm kiếm tin tức
Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, định hướng của tỉnh về chuyển đổi số
Ngày cập nhật 09/03/2022

Ngày 21/2/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế trên các phương tiện thông tin đại chúng năm 2022.

Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng các chủ trương, định hướng của tỉnh về chuyển đổi số trên 03 trụ cột: chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số với mục tiêu: “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á (Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến 2045). Đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xây dựng xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kết nối, cung cấp dịch vụ, giải quyết mối quan hệ và thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Là công cụ đột phá để các ngành, các lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững, tiến nhanh đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy mạnh truyền thông đến các Đề án, chương trình, dự án về chuyển đổi số: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số; Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030. Các nội dung và hoạt động tuyên truyền phải được phối hợp linh hoạt, kịp thời, chất lượng, thiết thực, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng để các nội dung tuyên truyền có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, tích cực tham gia xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa phương.

Kế hoạch tập trung tuyên truyền các nội dung liên quan đến chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực để thúc đẩy hoàn thành các nội dung trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số. Tập trung các nội dung cụ thể sau:

Thông tin tuyên truyền những khái niệm cơ bản, tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của chuyển đổi số, chính quyền số, công nghệ số; sự cần thiết phải chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số và kết quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập đối với việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số.

Truyền thông về xây dựng và phát triển chính quyền số để góp phần tạo môi trường chính quyền thân thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục giữ vững vị trí nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT), Chỉ số chuyển đổi số (DTI).

Truyền thông về phát triển kinh tế số: thay đổi nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi phương thức hoạt động của các lĩnh vực, ngành, nghề từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, tăng năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Truyền thông về phát triển xã hội số: hình thành cộng đồng công dân số và văn hóa số. Xây dựng Hue-S thành nền tảng phổ biến trong kết nối hệ sinh thái xã hội số tỉnh Thừa Thiên Huế. Hình thành bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong giao tiếp trên môi trường mạng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân hoạt động có văn hóa trong xã hội số, hình thành văn hóa số.

Theo đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua hình thức thực hiện: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục; tăng cường số lượng tin, bài, các ký sự, phóng sự chuyên đề, các chương trình phỏng vấn, tọa đàm, các thông điệp truyền thông trên các báo chí. Đồng thời, truyền thông trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo qua hình thức thực hiện: Xây dựng các thông điệp, Inforgraphic tuyên truyền về các chương trình, kế hoạch Chuyển đổi số của Tỉnh.

Trần Đình Tuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 970.473
Truy cập hiện tại 208