Tìm kiếm tin tức
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kiểm tra việc vận hành hệ thống truyền thanh thông minh tại huyện Phong Điền
Ngày cập nhật 16/02/2022

Chiều ngày 15/02, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc và kiểm tra việc vận hành hệ thống truyền thanh thông minh tại huyện Phong Điền. Cùng dự buổi làm việc và kiểm tra có lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền.

 

Truyền thanh thông minh thế hệ mới sử dụng công nghệ IP để truyền và nhận bản tin phát thanh qua mạng Internet, sóng 3G/4G thay vì phát thanh thông qua sóng FM. Bởi vậy, so với công nghệ truyền thanh truyền thống, truyền thanh thông minh có nhiều ưu điểm vượt trội. Đó là, hệ thống không cần cột ăng ten thu phát, không bị chèn sóng, lẫn sóng, âm thanh trong và rõ. Việc phát bản tin linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực, đặt lịch phát thanh theo giờ, ngày hoặc tuần. Đặc biệt, hệ thống truyền thanh thông minh được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI có thể tự động nhận dạng và đọc văn bản dạng text, chuyển văn bản trực tiếp thành giọng nói với các lựa chọn giọng nam, giọng nữ của các vùng miền và chuyển thành tệp tin âm thanh để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm, có thể chuyển tiếp tín hiệu của đài truyền thanh cơ sở. Các cấp chính quyền dễ dàng kiểm soát thông tin, quản lý chương trình, lịch phát thanh với độ bảo mật cao.

Tại huyện Phong Điền, hệ thống truyền thanh thông minh được triển khai lắp đặt vận hành thí điểm tại các xã Phong Sơn, Phong Hòa và Điền Hải. Trong đó, việc ứng dụng  mô hình truyền thanh thông minh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Trung tâm VHTT&TT huyện Phong Điền, cho biết, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và sự chỉ đạo của UBND huyện,  năm 2021 trung tâm đã lắp đặt và đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống Truyền thanh ứng dụng CNTT tại Đài Truyền thanh huyện và các Đài truyền thanh cơ sở thuộc các xã Phong Sơn, Phong Hòa, Điền Hải. Hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông có nhiều ưu điểm: không cần có máy phát sóng, không cần dây dẫn, thực hiện phủ sóng truyền thanh dựa trên hạ tầng truyền dẫn mạng viễn thông 3G/4G. Công tác quản lý, vận hành tập trung, đơn giản, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian và nhân lực; có khả năng lựa chọn, giám sát và vận hành thiết bị cụm thu phát truyền thanh từ xa; chủ động điều khiển chọn cụm loa để phát riêng biệt khi cần. Bên cạnh đó, hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông giúp phát hiện các thiết bị hỏng, không cần nhân lực thường xuyên đến tận nơi để kiểm tra. Đặc biệt là chức năng tự động chuyển từ văn bản sang giọng nói, không cần phải đọc đã góp phần hỗ trợ tích cực cho các Đài cơ sở trong việc chủ động thu âm, dựng chương trình trong điều kiện bất khả kháng. Ngoài ra, hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông giúp đài truyền thanh cơ sở tiết kiệm thời gian và nhân lực vận hành, cán bộ vận hành có thể kiểm tra được hoạt động của toàn bộ hệ thống; thực hiện lập lịch tiếp âm phát sóng trước cho ngày, tuần, tháng, do đó cán bộ vận hành chủ động. 

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở TT&TT tại buổi làm việc, sau khi lắp đặt, hệ thống TT khai thác phát các chương trình ổn định, TT 4 cấp qua mạng 3G, 4G; dễ dàng quản trị, giám sát, điều khiển tập trung; chất lượng âm thanh tốt hơn, không bị tình trạng nhiễu hoặc can nhiễu. Nghiệp vụ tương tác qua phần mềm cơ bản đảm bảo các chức năng, có thể kiểm chứng và lưu vết, quản lý được cấp huyện, cấp xã đang phát chương trình. Nhân lực vận hành ít hơn, thực hiện việc soạn tin, thông báo dễ dàng, thân thiện và tiện lợi với người sử dụng và có thể đăng thông báo bất cứ đâu khi có máy tính và mạng được kết nối.Trước sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, việc ứng dụng công nghệ truyền thanh kỹ thuật số để cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở xã, thị trấn chuyển dần sang sử dụng công nghệ truyền thanh thông minh là xu hướng tất yếu, phù hợp, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự chủ động phối hợp thực hiện của Sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan về triển khai lắp đặt vận hành hệ thống truyền thanh thông minh tại các địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị, cần quan tâm về cơ sở vật chất, có rà soát để có giải pháp kết nối hệ thống truyền thanh thông minh và truyền thanh truyền thống. Vai trò của hệ thống truyền thanh thông minh hoạt động phải có cơ chế điều hành, tăng cường công tác điều phối, nắm bắt thông tin của tỉnh đến huyện và cơ sở. Về mặt nội dung thông tin cần chủ động biên soạn phù hợp, biên tập về nội dung, chương trình phù hợp. Quan tâm sự phản hồi của người dân về nội dung thông tin và phát các bản tin trên hệ thống truyền thanh. Nâng cao năng lực của cán bộ ở các đài cơ sở, tạo được tính thống nhất trong nội dung, chắt lộc thông tin đáp ứng cho nhu cầu của người dân.

Việc triển khai mô hình đài truyền thanh thông minh góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, đây cũng là bước tiến trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, là giải pháp hữu hiệu đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ về nội dung, tránh tâm lý chủ quan, dựa vào công nghệ. Đồng thời, đề nghị các địa phương cần quan tâm chỉ đạo biên tập nội dung, chương trình phù hợp, khai thác tốt hệ thống, đưa thông tin kịp thời đến với nhân dân.

 

Trần Đình Tuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.012.955
Truy cập hiện tại 468