Trong 3 ngày (từ ngày 31/3-02/4), do ảnh hưởng của rìa phía Bắc hoàn lưu vùng thấp ở phía Nam Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh nên trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng. Tổng lượng mưa trên toàn tỉnh phổ biến từ 300-500mm, một số nơi cao hơn như: A Lưới 512mm, Lộc Tiến 545mm, Hồ Thủy Yên 558mm, Hương Phú 634mm, Hương Nguyên 635mm, Hương Sơn 653mm, Nam Đông 806mm.
Đây là đợt mưa lũ bất thường ngay giữa mùa khô, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng trên các sông trên địa bàn tỉnh; mưa lớn kèm theo dông lốc, sóng lớn đã gây thiệt hại về nhà cửa, đặc biệt là thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Nhằm tập trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh, ngày 04/4/2022 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có công điện khẩn gửi các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, hộ khó khăn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, tập trung sửa chữa lại nhà cửa, xử lý môi trường sau lũ, khôi phục sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kịp thời, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân. Tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình hạ tầng dân sinh thiết yếu giao thông, thủy lợi để phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Thống kê, tổng hợp thiệt hại, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để tổng hợp đề xuất Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền. Tổ chức tiêu úng ngay sau khi nước rút để cứu lúa, việc đấu úng phải được tính toán phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.
Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi, thường xuyên theo dõi lịch triều, mực nước trên sông, đầm phá để đóng, mở các cửa cống trên đê ven phá, đập Cửa Lác, Thảo Long, cống Quan,… để tiêu úng kịp thời. Phối hợp với các địa phương, các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm tổ chức tiêu úng ngay sau khi nước rút để cứu lúa, việc đấu úng phải được tính toán phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.
Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế ưu tiên cung cấp điện cho các địa phương đảm bảo vận hành các trạm bơm tiêu úng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các Chi cục: Thủy lợi, Thủy sản, Chăn nuôi Thú y, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với địa phương tổ chức kiểm tra, thống kê thiệt hại về lúa, hoa màu, thủy sản, các công trình để có giải pháp khắc phục phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 và vụ Hè Thu 2022. Phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp chăm sóc, phun bổ sung phân bón qua lá đối với những diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng nhưng còn khả năng hồi phục để cây trồng sớm phục hồi, sinh trưởng tốt, nhằm bù đắp sản lượng lúa bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành điều tiết lũ.
Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh; tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương, cơ quan ban, ngành trong việc thực hiện chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai; thống kê đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói cho các địa phương.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố trên các tuyến trục giao thông nhằm đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương phục vụ công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.
Các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương thống kê, đánh giá thiệt hại do mưa lũ gây ra và đề xuất các nhu cầu khắc phục trong thời gian đến theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh; Thông tư số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 08/10/2019 của UBND tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai thuộc thẩm quyền giải quyết UBND cấp xã, phường, thị trấn; báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trước ngày 08/4/2022; Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/4/2022.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo nhiệm vụ đã phân công, tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua.