Tìm kiếm tin tức
Đối thoại “Chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”
Ngày cập nhật 17/12/2021

Sáng 16/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan có buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề “Chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm góp phần làm rõ, giải đáp các vấn đề quan tâm của các cá nhân, tổ chức về chủ trương, chính sách, giáp pháp, kế hoạch của tỉnh trong phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19.

Mở đầu buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Mặc dù sau khi chuyển sang chiến lược phòng chống dịch mới, số ca F0, nhất là F0 trong cộng đồng có tăng hơn so với trước đây, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát và chủ động của tỉnh. Cả hệ thống chính trị đang tập trung cao để chỉ đạo, triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới, đảm bảo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa tập trung phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) của tỉnh.

Liên quan đến giải quyết việc làm, theo Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hồ Dần, đến tháng 8/2021, có trên 25.000 người lao động từ các tỉnh miền nam trở về, với 75% người có nhu cầu vay vốn, học nghề, giải quyết việc làm. Sở đã phối hợp với các các địa phương khảo sát, đánh giá cụ thể lao động có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm, vay vốn, đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay tỉnh đã giải quyết việc làm trên 16.000 người. Phấn đấu 100% người lao động trở về từ vùng dịch có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm được đào tạo nghề nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống.

Về kế hoạch phục hồi kinh tế, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Cường thông tin, tỉnh sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp phù hợp tình hình thực tế. Đó là, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế; chú trọng công tác an sinh xã hội; phục hồi, phát triển các ngành kinh tế; kích cầu đầu tư công; tăng cường quản lý điều hành, cải cách hành chính và chuyển đổi số; tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để khơi thông dòng vốn, thu hút đầu tư, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm, tỉnh sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thành lập mới, tạm ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19 nhằm bồi dưỡng các nguồn thu bền vững cho ngân sách. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT- XH nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh có khả năng tự chủ, tự cân đối ngân sách địa phương và trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo, tỉnh đã có những giải pháp căn cơ nhằm kiểm soát, kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh, trong đó ý thức của người dân vẫn quan trọng nhất, với giải pháp 5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân. Theo đó, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức phòng chống dịch, thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, tự giác trong việc khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp cách ly, giám sát, theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của ngành y tế. Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt cho những trường hợp nguy cơ cao, người có bệnh nền, người trên 50 tuổi. Tiếp tục truy vết các trường hợp dương tính, khoanh vùng mới thấp nhất. Tăng cường công tác xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 tại các khu vực nguy cơ cao, đối tượng nguy cơ cao. Nâng cao công tác điều trị người nhiễm bệnh theo phát đồ của Bộ Y tế, đảm bảo hạn chế tối đa bệnh chuyển nặng và tử vong. Sẵn sàng các phương án điều trị COVID-19 tại nhà khi số ca bệnh tăng cao, vượt quá khả năng điều trị của các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Qua hơn 2 giờ đối thoại trên Cổng thông tin tỉnh, đã có gần 100 câu hỏi của người dân, tổ chức, doanh nghiệp gửi đến chương trình và đã được Lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo các sở, ngành có liên quan tập trung trả lời, giải đáp một cách chu đáo đầy trách nhiệm.

Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, qua buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh nhận thấy bên cạnh những giải pháp, biện pháp, kế hoạch của tỉnh nhằm chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã triển khai, vẫn còn nhiều công việc đòi hỏi các cấp các ngành và cả cộng đồng người dân nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc COVID-19, khôi phục và phát triển KT- XH.

Trong đó, tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Xác định, sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

“Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; y tế là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an,... nhưng phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, KT- XH”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội, Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi phát triển KT- XH; cùng với cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu KT- XH năm 2022 và các năm tiếp theo.

 

Trần Đình Tuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.403.521
Truy cập hiện tại 98