Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ ổn định về phương thức như năm 2020. Theo kế hoạch, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức vào các ngày 7-8/7/2021.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT cho biết: Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 20211; ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT, Kế hoạch tổ chức Kỳ thi.
Đề thi tham khảo đã được công bố vào ngày 31/3/2021, giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh có định hướng phù hợp trong dạy, học, ôn tập để chuẩn bị tham gia Kỳ thi. Ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn bị bảo đảm yêu cầu, quy trình và số lượng phục vụ công tác đề thi để tổ chức Kỳ thi.
Các bài thi được tổ chức tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Căn cứ mục đích tham dự Kỳ thi và Quy chế thi, thí sinh thuộc các đối tượng khác nhau sẽ đăng ký bài thi phù hợp quy định. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút 2 đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (các bài thi tổ hợp thi cùng một buổi). Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 trong năm học 2019-2020 và 2020-2021 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về một số giải pháp để tổ chức Kỳ thi đạt kết quả cao và đảm bảo an toàn. Trong đó, các đại biểu cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã phân công rõ trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị cho Kỳ thi; có phương án bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các điểm thi; triển khai tập huấn Quy chế thi. Đặc biệt, hiện nay trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đại biểu tại các địa phương cũng cho biết, địa phương cũng đã xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi an toàn; xây dựng các phương án dự phòng để tổ chức Kỳ thi. Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy học, ôn tập trong điều kiện dịch bệnh đang diễn ra cũng được các địa phương đảm bảo để chuẩn bị kiến thức tốt nhất cho các thí sinh tham gia Kỳ thi.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời chia sẻ tới các địa phương đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời ghi nhận, biểu dương tinh thần chủ động, linh hoạt, sự ứng phó kịp thời và nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành, triển khai hoạt động giáo dục. Từ đó, hoàn thành kế hoạch năm học trong điều kiện dịch bệnh. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung làm tốt công tác tổ chức Kỳ thi với tinh thần là “không vì tập trung cao độ chuyên môn cho kỳ thi mà lơ là với công việc ứng phó với dịch bệnh mà cũng vì quá tập trung trong công việc ứng phó, phòng chống dịch mà coi nhẹ công tác chuyên môn cho kỳ thi”; các Bộ, ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ đảm bảo việc tổ chức Kỳ thi chu đáo, hiệu quả, an toàn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương cần quan tâm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho năm học mới, đặc biệt là trọng tâm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới để nâng cao chất lượng thực trong công tác giáo dục và đào tạo.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tiếp thu ý kiến đề xuất của các địa phương và sẽ ra đề thi theo tinh thần của đề thi tham khảo đã được công bố nhưng sẽ giảm độ khó.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định Ban chỉ đạo thi thống nhất quyết tâm tổ chức kỳ thi theo lịch thi đã công bố. Trong trường hợp rất đặc biệt, tùy số lượng F1, F2 quá đông, Bộ sẽ tổ chức thêm đợt hai. Trong trường hợp phải tổ chức thành hai đợt thi, Bộ đảm bảo đề thi giữa hai đợt thi sẽ được cân bằng để có sự công bằng cho các thí sinh.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, năm nay có 38 điểm thi (có 38 điểm thi dự phòng) với 578 phòng thi, đảm bảo hợp lý và tạo thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến huy động khoảng 2.398 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia Ban Coi thi. Tổng hồ sơ đăng ký dự thi là 13.347 hồ sơ, trong đó giáo dục THPT có 12.804 thí sinh, giáo dục thường xuyên có 543 và có 585 thí sinh tự do. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cũng chủ động lên phương án để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình lưu ý ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các sở, ngành có liên quan cần chủ động các phương án; không được chủ quan trong công tác phòng dịch tại Kỳ thi THPT sắp tới, xây dựng đầy đủ kịch bản đảm bảo Kỳ thi diễn ra thành công, chất lượng, an toàn và thuận lợi. Bên cạnh đó cần rà soát cơ sở vật chất, huy động nhân lực và vật lực từ các trường như: Máy đo thân nhiệt, trang thiết bị và nhân viên y tế,… để hỗ trợ tối đa cho Kỳ thi; lực lượng công an đảm bảo tốt an ninh, trật tự...