Mục tiêu đề ra là đưa Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước; kinh tế biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển theo quy định của Chính phủ; chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nước biển dâng; ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, đầm phá, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; bảo tồn các hệ sinh thái biển, đầm phá. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa xã hội, phát triển con người của cộng đồng dân cư ven biển, đầm phá. Củng cố, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên vùng biển và khu vực ven biển của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể: Bảo đảm các chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo quy định của Chính phủ. Phấn đấu các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến biển, đầm phá được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển, đầm phá.
Nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển, đầm phá giữ vai trò trọng yếu. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quy định của Chính phủ. Phát triển mạnh về khai thác, chế biến sản phẩm từ biển; các ngành dịch vụ biển, đầm phá. Kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển, đầm phá.
Đưa chỉ số phát triển con người (HDI), thu nhập bình quân đầu người của tỉnh cao hơn mức bình quân chung cả nước. 100% số xã ven biển, đầm phá đạt chuẩn gắn với nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%; 100% dân số được sử dụng nước sạch.
Phấn đấu đến năm 2030, các địa phương vùng ven biển, đầm phá sẽ có những thành tựu về phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống, Qua đó, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, phát huy được lợi thế riêng có và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có năng lực, trình độ cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%.
Bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vùng đầm phá; giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt. Bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn, ngập ngọt và trên cát ven biển, đầm phá. Nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng lên trên 30%.
Các khu đô thị, cụm công nghiệp và làng nghề trong vùng được xử lý nước thải, thu gom, xử lý chất thải rắn đặt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường. 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Phòng, tránh và hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, thiệt hại do thiên tai gây ra.
Kế hoạch đưa ra 7 nhiệm vụ thực hiện đến năm 2025 và đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; Phát triển kinh tế biển, ven biển; Phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực biển; Môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Bảo đảm quốc phòng, an ninh; đối ngoại và hợp tác quốc tế.