Tìm kiếm tin tức
Chính phủ điện tử hướng đến phục vụ người dân được tốt hơn.
Ngày cập nhật 13/02/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (nguồn Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Sáng nay (12/02), Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban. Hội nghị diễn ra tại Hà Nội và trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước; tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đại diện các sở, ngành, địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV - tên chính thức vừa được WHO đặt là Covid-19). Theo Thủ tướng, nếu làm tốt Chính phủ điện tử cũng là một giải pháp ngăn ngừa nCoV khi hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ứng dụng Chính phủ điện tử trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Thủ tướng nêu rõ, hội nghị hôm nay nhằm tổng kết, đánh giá một năm triển khai Chính phủ điện tử xem đạt kết quả nào tốt nhất để nhân rộng cách làm đó và bổ sung, hoàn thiện các giải pháp một cách thực chất. Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ thảo luận về các cản trở, khó khăn trong xây dựng Chính phủ điện tử, nhất là trong việc đưa toàn dân tham gia xây dựng Chính phủ điện tử hay không, các cấp chính quyền đã hưởng ứng mạnh mẽ chưa.

“Chúng ta đưa ra những nhiệm vụ mới, giải pháp mới để năm 2020 thực hiện đạt kết quả tốt, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vào lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam”, Thủ tướng nói. Chính phủ điện tử không phải làm một lúc là xong được mà chia làm nhiều giai đoạn, có những giai đoạn quan trọng, trong đó năm 2020 là năm nhiều thách thức, nhất là đang diễn ra dịch nCoV. Chúng ta phải có định hướng như thế nào để triển khai có hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động.

Thủ tướng đề nghị nêu rõ các cản trở, khó khăn để khắc phục, “hiện nay tình trạng mạnh ai nấy làm ở khâu này, khâu kia không phải không có”. Thủ tướng kỳ vọng Hội nghị đạt kết quả thiết thực, hiệu quả, từ nhận thức đến hành động.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi. Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được khai trương và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả bước đầu; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.

Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (09/12/2019) đến nay, đã có 47.377 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đến thời điểm này, đã có 9/22 Bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương (ngày 12/3/2019) đến ngày 10/02/2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bên cạnh những kết quả như trên, trong triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật làm khung thể chế cho triển khai Chính phủ điện tử như chưa hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Trên 70% các bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa có ý thức thay đổi thói quen, vẫn ưu tiên thực hiện theo các phương thức truyền thống.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2020, phải ban hành được các Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác định xác thực điện tử, về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định thay thế về công tác văn thư, Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân và năm 2020, chúng ta chuẩn bị các bước để tiến tới sửa luật về giao dịch điện tử và luật về lưu trữ.

Phải hoàn thiện các yếu tố nền tảng của CPĐT, Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu cần phấn đấu: 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.

Về bảo đảm nguồn tài chính cho CPĐT, Thủ tướng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của CPĐT, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý I/2020.

 

thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.383.742
Truy cập hiện tại 1.211