Nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020 và các năm tiếp theo, ngày 09/01/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 213/UBND-GD yêu cầu các Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội trong giờ hành chính (trừ trường hợp thuộc thành phần thamgia tổ chức lễ hội do cơ quan tổ chức lễ hội mời; được giao thực thi nhiệm vụ). Chịu tráchnhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh nếu để đơn vị, địa phương do mình phụ trách và quản lý vi phạm quy định quản lý, tổ chức lễ hội, để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong lễ hội.
2. Sở Văn hóa và Thể thao
- Tiếp tục định hướng công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương; không để xảy ra các hành vi phản cảm, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo lễ hội được tiến hành trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quản lý di tích có phương án quản lý hòm công đức; hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định; bố trí lực lượng thu gom kịp thời tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích; hạn chế đốt vàng mã, không thả đèn trời, không trang trí đèn lồng có chất liệu gây hại cho môi trường, không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật di sản văn hoá và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc tổ chức lễ hội phái gắn với thực hiện có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, đảm bảo môi trường xanh - sạch - sáng, xây dựng môi trường lễ hội, du lịch ngày càng văn minh, thân thiện, tích cực.
3. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật như: Trộm cắp, cờ bạc, trò chơi mang tính cờ bạc trá hình... tại các lễ hội. Kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội.
4. Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn, các khu, điểm du lịch, đặc biệt tại các điểm tổ chức ăn uống trong khu vực lễ hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các tệ nạn xã hội, giải quyết các trường hợp ăn xin gây phản cảm tại các lễ hội.
6. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội; thông tin, tuyên truyền về nội dung, giá trị của từng di tích, lễ hội.
7. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về lễ hội; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành, giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
- Chỉ đạo và hướng dẫn các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức lễ hội an toàn và tiết kiệm theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục; đảm bảo các điều kiện an toàn cho người tham gia lễ hội; đảm bảo môi trường xanh, sạch, sáng, văn minh tại các lễ hội, điểm đến du lịch.
- Thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh về việc nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức lễ hội; có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải, phân loại, xử lý chất thải, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội.
- Chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương./.