Tìm kiếm tin tức
Chuyển đổi số trở thành phương thức đột phá để thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị
Ngày cập nhật 14/09/2021

Sáng ngày 31/8, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã chủ trì buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông để nghe báo cáo về quá trình xây dựng Nghị quyết chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng Tỉnh ủy; Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh.

 

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn đã giải trình, làm rõ thêm những mục tiêu, chỉ tiêu để xây dựng Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Với mục tiêu, đến năm 2025, hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước, tạo nền tảng để vận hành chính quyền số, xây dựng các dịch vụ cơ bản hình thành xã hội số và bước đầu đưa nền kinh tế số trở thành một trong các nguồn thu ngân sách ổn định và phát triển bền vững; chuyển đổi số trở thành phương thức đột phá để thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Về phát triển chính quyền số, phấn đấu đến năm 2025 có 100% cơ quan Nhà nước được triển khai hạ tầng trên nền tảng điện toán đám mây, được giám sát an toàn thông tin qua Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC); 100% cơ quan Nhà nước triển khai hệ thống báo cáo số từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hình thành Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội của tỉnh… Phát triển kinh tế số, hiện có 134 doanh nghiệp số và phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 300 doanh nghiệp số; 10.000 lao động trở lên phục vụ phát triển Khu CNTT tập trung của tỉnh. 90% doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ số và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng… Liên quan đến phát triển xã hội số, hiện có 90% hộ gia đình trên toàn tỉnh đảm bảo khả năng kết nối mạng Internet, các dịch vụ thiết yếu qua dịch vụ đô thị thông minh và đến năm 2025 phấn đấu đạt 100%; 50% người dùng thiết bị di động thông minh được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh. Hình thành nền tảng xã hội số; xây dựng Hue-S thành nền tảng phổ biến trong kết nối hệ sinh thái xã hội số tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành đã trao đổi, phân tích, làm rõ nhiều vấn đề để hướng đến chuyển đổi số trở thành phương thức đột phá trong xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm đặc sắc khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao…

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được trong thời gian qua. Để đạt được mục tiêu về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông cần đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng CNTT hiện nay, qua đó thay đổi tư duy lãnh đạo, quản lý điều hành trong thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Chuyển đổi số phải được thực hiện trên nền tảng của CNTT, đồng thời phải bảo đảm an toàn thông tin. Đồng chí nhấn mạnh, Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là công cụ để thúc đẩy việc thực hiện 4 trung tâm lớn, đặc sắc mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ. Vì vậy, Sở Thông tin và Truyền thông cần đánh giá, rà soát về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực chuyển đổi số. Cần xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó đề ra các các giải pháp thực hiện nhằm thu hút các dự án trọng điểm về CNTT… Mục tiêu cuối cùng là khi ban hành Nghị quyết phải mang tính khả thi.

 

Trần Đình Tuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.403.412
Truy cập hiện tại 97