Tham dự buổi lễ còn có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện Lãnh đạo 63 tỉnh/ thành phố thông qua truyền hình trực tuyến.
Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số.
Các nội dung chính của chương trình gồm: Triển khai hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ nhu cầu dạy và học trực tuyến; Vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16/CT-TTg) và triển khai học trực tuyến; Phát động các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để ủng hộ, nhân rộng Chương trình trên toàn quốc, góp phần hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội trên toàn cầu, thay đổi cách nghĩ, cách thích ứng, cách vận hành, cách quản trị xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của các nước hiện nay là ứng phó với dịch COVID-19 với mục tiêu kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng an toàn với dịch bệnh do xuất hiện các biến chủng mới.
Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc với quyết tâm rất cao, với sự đồng lòng của Nhân dân để từng bước kiểm soát, đẩy lùi và có phương án thích ứng an toàn với dịch bệnh. Với ý chí, sự quyết tâm và hành động quyết liệt đó, việc kiểm soát dịch bệnh của nước ta đang tiến triển tích cực, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam có xu hướng giảm về ca nhiễm và tỷ lệ tử vong. Tại Hà Nội, với việc đẩy mạnh tiêm chủng và xét nghiệm phù hợp, dịch bệnh đã trong vòng kiểm soát. Điều đó đặt ra niềm hy vọng rất gần, rằng cuộc sống của Nhân dân sẽ từng bước bình thường trở lại.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ hiện nay là sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới theo phương án thích ứng an toàn với dịch bệnh. Trong đó, Chính phủ rất quan tâm đến việc mở cửa trường học an toàn.
Thủ tướng cho biết, dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa tuổi thơ của các cháu khi chưa được cắp sách đến trường hàng ngày, không được nghe tiếng trống trường, không được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, thầy cô… Nhiều nơi, các cháu phải học trực tuyến suốt gần 2 năm qua. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý, kiến thức của các cháu, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, khi cha mẹ các cháu không có người chăm sóc con cái trong khi vẫn phải đi làm hàng ngày.
"Thậm chí, nhiều gia đình khó khăn, các cháu còn thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng. Tôi được biết, để thực hiện được chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học,” nhiều cháu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn mang sách vở, dựng lán trên đỉnh đồi để có sóng học. Nhiều gia đình không có điều kiện mua máy tính cho con nên các cháu cũng không học trực tuyến được, thua thiệt, tủi thân với bạn bè". Thủ tướng cho biết thêm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành." Thủ tướng khẳng định, đây là tâm nguyện của Người mà chúng ta có trách nhiệm thực hiện trong mọi hoàn cảnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân để đạt mục tiêu mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách…
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ thường có cuộc gọi cho các Bộ trưởng vào lúc nửa đêm, rất có thể là vì đến lúc đó Thủ tướng mới có thời gian cho các ý tưởng mới. Và ý tưởng của Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT vào thời gian đó.
Việc học trực tuyến cũng như là xây dựng xã hội số. Khi Covid ập đến và giãn cách xã hội thì các em là những người đầu tiên phải ở nhà, phải học trực tuyến từ nhà. Nhưng hàng triệu em không có máy tính. Do đó, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã xây dựng Chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Người đứng đầu Ngành TT&TT cho biết, Chương trình "Sóng và máy tính cho em" gồm có ba phần chính: Là có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; là có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; là có giá cước phù hợp cho các máy tính này. Đây là một chương trình lớn toàn quốc, liên quan tới mọi ngành, mọi cấp, mọi doanh nghiệp dành cho ngành giáo dục, dành cho các em, dành cho tương lai của chúng ta. Giá trị của nó lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, và lại đúng trong lúc tất cả đang rất khó khăn vì đại dịch bùng phát. Nhưng chỉ vòng chưa đến 5 ngày, bằng sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của rất nhiều bên mà số lượng máy tính đã quyên góp được lên tới 1 triệu máy tính. Những gì đúng và động đến trái tim thì luôn đi xa và đi nhanh! Một lời hiệu triệu là cả triệu người theo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Mặc dù, đất nước chúng ta còn đến 2.000 điểm lõm sóng, đều là những chỗ khó khăn nhất, tồn tại nhiều năm nay. Nhưng, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các nhà mạng chỉ trong tháng 9 này, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các em phải học trực tuyến thì sẽ không còn điểm lõm sóng Internet. Và đến hết năm 2021, trên toàn quốc sẽ không còn điểm lõm sóng - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Tại lễ phát động, nhiều doanh nghiệp trong nước đã lần lượt công bố các khoản đóng góp lớn cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Các doanh nghiệp công nghệ sẽ miễn phí 6 nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam gồm: VNEdu, ViettelStudy, MobiEdu, Onluyen, Hocmai, Misa EMIS với giá trị ủng hộ lên tới 200 tỷ đồng. Các địa phương trên cả nước cũng đã ủng hộ, đóng góp được 63 tỷ, 8 máy tính và 630 điện thoại thông minh cho chương trình
Viettel, VNPT, MobiFone cam kết sẽ phủ sóng 100% các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 9 và trên toàn quốc trong năm 2021. Tổng kinh phí triển khai kế hoạch này lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
Viettel, VNPT, MobiFone sẽ miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến.
Các nhà mạng cũng cam kết sẽ hỗ trợ các gói cước, hạ tầng CNTT phục vụ việc dạy và học trực tuyến như máy chủ, chỗ đặt máy chủ và đường truyền Internet. Kế hoạch này sẽ kéo dài trong 3 tháng với kinh phí dự kiến là 450 tỷ đồng.
Tính tới cuối lễ phát động, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã nhận được tổng số tiền ủng hộ là 2.502,1 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 1 triệu chiếc máy tính từ các doanh nghiệp./.