Lễ công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 được tổ chức bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES).
Theo đó, địa phương dẫn đầu về chỉ số PAPI năm 2023 là Thừa Thiên - Huế với 46,04 điểm. Thái Nguyên đứng thứ hai với 45,78 điểm. Bắc Ninh đứng thứ ba, đạt 45,7 điểm.
Đáng chú ý, địa phương là quán quân năm trước là Quảng Ninh cũng như Bình Dương không có mặt trong bảng xếp hạng năm nay do không đảm bảo độ tin cậy.
Đối với 5 thành phố trực thuộc trung ương, Hà Nội đạt 43,9 điểm. Hải Phòng đạt 42,1 điểm. Đà Nẵng đạt 42,6. Cần Thơ đạt 40,1 và TP HCM đạt 41,7 điểm.
Báo cáo cũng chỉ ra ra rằng, khoảng cách về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023 giữa các tỉnh, thành phố không lớn. Chỉ số PAPI 2023 tổng hợp giữa điểm thấp nhất (38,97 điểm) và điểm cao nhất (46,04 điểm) là khoảng 7,07 điểm, nhỏ hơn khoảng cách này của Chỉ số PAPI 2021 và 2022.
"Khoảng cách này cho thấy điểm các chỉ số nội dung PAPI 2023 có xu hướng hội tụ hơn. Vì vậy, chính quyền các tỉnh, thành phố không nên coi trọng điểm số tổng hợp chung, mà cần xem xét kết quả ở các chỉ số, chỉ tiêu cụ thể," Báo cáo cho hay.
Năm 2023 là năm thứ ba trong nhiệm kỳ 2021-2026 của chính quyền các cấp. Do đó, kết quả khảo sát PAPI 2023 là nguồn dữ liệu và thông tin hữu ích, giúp các cấp chính quyền nắm bắt được cảm nhận và trải nghiệm của người dân về điều kiện kinh tế-xã hội, mối quan ngại cũng như kỳ vọng của người dân đối với bộ máy công vụ trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2023 cho thấy, đói nghèo, việc làm và tăng trưởng kinh tế là 3 vấn đề người dân quan ngại nhất, phản ánh những thách thức về kinh tế và việc làm mà Việt Nam đã phải đối mặt trong năm 2023. Trong số 10 vấn đề dẫn đầu tổng hợp từ hơn 40 vấn đề người dân nêu lên, đói nghèo được 22,39% số người dân lựa chọn, trong khi việc làm là mối quan tâm lớn nhất của 12,79% số người trả lời. Tăng trưởng kinh tế đứng thứ ba với 9,2% người dân đề cập.
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi cho biết, mặc dù có những điểm sáng trong năm 2023, đặc biệt trong kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và trong thúc đẩy tiềm năng của quản trị điện tử, nhưng vẫn còn có những mảng màu chưa sáng ở những lĩnh vực khác, nhất là trong đánh giá của người dân về mức độ công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương.
Một trọng tâm quan trọng khác của Báo cáo PAPI năm 2023 là kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện quản trị điện tử trong bối cảnh Chính phủ và chính quyền các cấp thúc đẩy việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số và công dân số trong thời gian qua.
Kết quả khảo sát năm 2023 cho thấy những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận Internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so với năm 2020. Mặc dù có tới gần 80% người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2023 cho biết họ đã dùng Internet tại nhà, song "khoảng cách số" trong tiếp cận internet giữa các nhóm dân cư khác nhau về giới tính, khu vực sinh sống, dân tộc hoặc tình trạng hộ khẩu vẫn là vấn đề đáng quan tâm.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (với tên viết tắt tiếng Anh là PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở.
Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2023, 19.536 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát PAPI.
PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.