Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế tham gia Hội thảo tham vấn ý kiến về khả năng áp dụng Bộ công cụ Bali Toolkit trong thực hiện đăng ký hộ tịch cho nhóm dân cư yếu thế tại Việt Nam
Ngày cập nhật 24/02/2022

Ngày 28/12/2021, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp tổ chứcHội thảo tham vấn ý kiến về khả năng áp dụng Bộ công cụ Bali Toolkit trong thực hiện đăng ký hộ tịch cho nhóm dân cư yếu thế tại Việt Nam trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tại 10 điểm cầu địa phương trong toàn quốc, chủ trì điểm cầu tại Thừa Thiên Huế là đồng chí Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở cùng sự tham gia của đại diện Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các Phòng Tư pháp và một số công chức tư pháp – hộ tịch trên địa bàn.

 

Tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 6 của Tiến trình Bali được tổ chức tại Bali, Indonesia, ngày 23/3/2016, Chính phủ Thái Lan cùng với đại diện của các quốc gia thành viên đã thông qua Tuyên bố Bali về phòng, chống đưa người trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia. Tại Hội nghị này, Văn phòng hỗ trợ khu vực của Tiến trình Bali đã phối hợp lập một Nhóm Cố vấn kỹ thuật  để xây dựng Bộ công cụ đánh giá công tác đăng ký hộ tịch gọi tắt là Bali Toolkit.

Bali Toolkit hướng tới nhóm người bị thiệt thòi và khó tiếp cận như người tị nạn, người xin tị nạn, người không quốc tịch, người chưa được xác định quốc tịch và người không có giấy tờ tùy thân, dựa trên cơ sở tính dễ bị tổn thương của nhóm đối tượng này từ các hành vi bạo lực, khai thác và di cư trái phép.

Bali Toolkit nhằm giúp các quốc gia có liên quan đánh giá và cải thiện hệ thống đăng ký hộ tịch quốc gia;Hỗ trợ các quốc gia thực hiện việc ghi lại các trường hợp sinh, tử và kết hôn của những người tị nạn, những người xin tị nạn, người không quốc tịch và người chưa xác định được quốc tịch trong hệ thống ĐKHT chính thống.

Những nội dung cơ bản của Bali Toolkit gồm có: Phần 1 -Tầm quan trọng của việc ĐKHT cho những người tị nạn, người xin tị nạn, người không quốc tịch và người chưa xác định được quốc tịch; Phần 2 - Phương pháp đánh giá việc ĐKHT của những người tị nạn, người xin tị nạn, người không quốc tịch và người chưa xác định được quốc tịch và Phụ lục Bộ công cụ được đặt tên theo bảng chữ cái gồm 15 công cụ: A, A2, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N.

Việt Nam là một trong 3 quốc gia trong khu vực được lựa chọn thí điểm triển khai Bali Toolkit, trong giai đoạn 2020-2021, đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu và thí điểm Bali Toolkit như biên dịch Bộ công cụ từ tiếng Anh sang tiếng Việt; xây dựng Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác đăng ký và thống kê hộ tịch đối với nhóm dân cư yếu thế dựa trên Bộ công cụ Bali Toolkit; đánh giá khả năng áp dụng Bộ công cụ trên diện rộng ở Việt Nam thời gian tới; tiến hành khảo sát thực địa tại một số tỉnh như Lai Châu, Thừa Thiên Huế…

           Qua rà soát người không quốc tịch, người chưa xác định được quốc tịch, người không có giấy tờ chứng minh nhân thân đang cư trú tại địa phương, Thừa Thiên Huế hiện có 01 trường hợp là người không quốc tịch, người chưa xác định quốc tịch; 220 trường hợp trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài.

Đồng thời, tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung sau: khả năng áp dụng Bali Toolkit trong việc nghiên cứu xây dựng thể chế, chính sách đối với nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương phù hợp với thực trạng, bối cảnh của Việt Nam; đề xuất một số sửa đổi đối với nội dung của Bộ Công cụ Bali Toolkit để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt là các Công cụ được giới thiệu chi tiết tại Hội thảo;Cách thức triển khai Bali Toolkit đầy đủ, hiệu quả, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch trong tương lai./.

 

Lê Văn Đậm
Các tin khác
Xem tin theo ngày