Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Ngày cập nhật 24/02/2022

Ngày 16 tháng 11 năm 2021, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Theo đó, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai một số nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân như: Kết luận 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị 04-CT/TW, ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng... Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực sự coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kết luận 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin về quy hoạch, các cơ chế chính sách trong quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, kết quả giải quyết đơn, thư; thủ tục hành chính, sử dụng ngân sách, tài sản công, các chính sách an sinh xã hội, thi đua khen thưởng..., tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân được tham gia giám sát việc triển khai thực hiện; đồng thời tiến hành kiểm tra, xác minh những cơ quan, đơn vị, địa phương có biểu hiện, dư luận về sự không minh bạch trong các hoạt động.

- Chỉ đạo nâng cao chất lượng việc kê khai, công khai và kiểm soát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai, không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai tài sản..., đảm bảo việc kê khai tài sản được thực hiện nghiêm túc, thực chất theo đúng tinh thần Chỉ thị 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung rà soát để loại bỏ các quy trình, thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tiến hành phân cấp và làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, từng công chức và người đứng đầu cơ quan. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu và tiến hành đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức khi tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính. Nghiêm cấm việc cán bộ, công chức ưu tiên, vòi vĩnh, không minh bạch trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc xác minh làm rõ việc giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Hằng năm, xây dựng kế hoạch tự kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tiến hành công tác tự kiểm tra, giám sát để chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan đơn vị, địa phương mình mà không kịp thời phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và Nhà nước.

- Rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan này phải thực sự liêm chính, trong sạch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là “chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”. Tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ những vụ việc, vụ án có dư luận, đơn, thư của cán bộ, đảng viên, nhân dân và tổ chức hoặc những vụ việc có dấu hiệu hình sự nhưng xử lý hành chính, những vụ án xét xử có hành vi vi phạm nhưng cho hưởng “án treo”, khung hình phạt chưa tương xứng.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Hội đồng nhân dân các cấp, nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường phối hợp, thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý tin báo, tố giác tội phạm, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị mà nòng cốt là lực lượng Thanh tra, Kiểm tra Đảng, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; rà soát, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản đã phát hiện; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý cá nhân, tập thể vi phạm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

- Các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

Lê Văn Đậm
Các tin khác
Xem tin theo ngày