Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đóng góp ý kiến vào các dự án luật
Ngày cập nhật 11/06/2020

Ngày 10/6, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những đóng góp ý kiến, thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ: Vừa xử lý vi phạm hành chính, vừa nâng cao nhận thức của người dân

 

Theo đại biểu Phan Ngọc Thọ, về Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong lĩnh vực xử lý vi phạm về ma túy, trước đây được giao cho chính quyền địa phương nên chưa khả thi và không đảm bảo được tính răn đe trong việc xử lý vi phạm liên quan đến ma túy, đặc biệt là người vi phạm dưới 18 tuổi. Thủ tục hành chính phức tạp, chồng chéo với sự tham gia của nhiều cơ quan: công an, y tế, địa phương đã kéo dài việc xử lý vi phạm, do chưa đồng bộ, do thủ tục phức tạp trong thủ tục xử lý vi phạm nên tình trạng thanh niên nghiện ma túy có xu hướng tăng. Sự đồng bộ trong pháp luật về phòng chống ma túy, luật hình sự, luật xử lý vi phạm hành chính cũng còn nhiều chồng chéo… nên cần có phương án liên quan về độ tuổi, về xử lý và cần quy định rõ trong luật, tạo sự thống nhất, đáp ứng được nguyện vọng và thực tế chúng ta phải đương đầu là xử lý tình trạng nghiện ma túy ngày càng nhiều ở vị thành niên, trẻ em.

Vấn đề thứ 2 là việc biên bản xử lý vi phạm hành chính cũng phức tạp. Trong xử phạt vi phạm hành chính có rất nhiều vi phạm thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, từ khi phát hiện đến khi chuyển cho cơ quan thẩm quyền xử lý từ xã lên tỉnh thời gian dài. Có những vi phạm cấp xã phát hiện nhưng thẩm quyền xử lý của huyện, của tỉnh, nên mới có trường hợp khi chuyển lên huyện, lên tỉnh thì đã hết thời gian xử lý. Do vậy, những vi phạm về đất đai, xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại do không có đủ điều kiện để xử lý vi phạm hành chính. Luật cần cân nhắc khi quy định thời điểm xử lý vi phạm, biên bản trình cấp có thẩm quyền xử lý theo vi phạm. Tại vì đánh giá xử lý một vi phạm về sử dụng đất hay xây dựng trái phép cấp xã thì năng lực chính quyền cấp xã khó lòng đánh giá được vi phạm bao nhiêu để chuyển cấp có thẩm quyền xử lý.

Theo Đại biểu, cần xem xét phải bổ sung lao động công ích vào xử lý vi phạm hành chính. Bởi vì phạt tiền, hay xử lý cưỡng chế thi hành chẳng qua là hình thức, nhưng quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân, phải tiến đến có những xử lý lao động công ích như nhiều nước đã áp dụng thành công. Trước đây nước ta cũng từng có giai đoạn thực hiện lao động công ích, nhưng trong luật lần này nêu vấn đề khó khăn chưa nghiên cứu kỹ nên chưa đưa vào, tôi nghĩ cũng cần cân nhắc vì lao động công ích được nhiều việc, có tác dụng răn đe, giáo dục, xử lý, cải tạo tư tưởng suy nghĩ của người vi phạm. Còn phạt tiền có những người có tiền chỉ cần nộp tiền là chưa phù hợp với trình độ, năng lực và là nguyên nhân tái phạm.    

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Chí Tài: Mở rộng hợp tác thị trường lao động nước ngoài

Theo đại biểu Nguyễn Chí Tài, việc bổ sung, sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập về hoạt động lao động của người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đáp ứng với yêu cầu hợp tác lao động, các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy, tìm kiếm, mở rộng cơ hội hợp tác với các thị trường lao động nước ngoài nhằm đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Về các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn việc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp hay cơ quan chuyên môn thực hiện hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm phù hợp hơn, tránh chồng chéo, không thống nhất trong thực thi khi Luật được ban hành.

Việc giao nhiệm vụ cho đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp dịch vụ, đại biểu đề nghị tăng giới hạn số lượng đơn vị phụ thuộc nhiều hơn 3 đơn vị (thay vì quy định không quá 3 đơn vị), hoặc không nên giới hạn số lượng đơn vị phụ thuộc. Vì quy định như vậy sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Đồng thời quy định này dễ làm phát sinh tình trạng độc quyền của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các hình thức môi giới trung gian, làm chi phí dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng cao ảnh hưởng cho người lao động.

Về hỗ trợ tái hòa nhập xã hội, tại Điều 63 dự thảo Luật quy định “Hỗ trợ người lao động trở về tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện nhằm hòa nhập với gia đình và cộng đồng”. Tuy nhiên, tại dự thảo Điều Luật này quy định còn chung chung, chưa quy định cụ thể cơ quan nào có trách nhiệm trong việc xây dựng, hoạch định chính sách này đối với người lao động khi trở về nước. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chủ thể được phép xây dựng, hoạch định chính sách đối với quy định tại Điều này.

Việc bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tại Điều 65 dự thảo Luật này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể việc bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài phải thực hiện và tuân thủ nghiêm túc  quy định pháp luật về giáo dục và giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, bổ sung thêm một khoản: “Hoạt động bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động giáo dục, giáo dục nghề nghiệp”.

 

thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày