Tại chuyên đề, Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) Bùi Hoàng Minh cho biết, Hue-S là ứng dụng nền tảng di động được xây dựng theo hướng super App (siêu ứng dụng) với định hướng một ứng dụng duy nhất tích hợp. Hue-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, DN vừa ứng dụng chính quyền số phục vụ công tác CĐS trong cơ quan nhà nước và cũng là nền tảng thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay Hue-S đã có gần 800.000 lượt tải ứng dụng, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh với thời gian sử dụng trung bình 35 phút mỗi người/một ngày; tính riêng năm 2021, đã có hơn 17.400.000 lượt truy cập. Hue-S cũng đã thu hút hơn 10 Tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia tích hợp vào Hue-S.
Hue-S đã làm thay đổi cơ bản và toàn diện phương thức kết nối giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Các vấn đề bức xúc, tồn tại xã hội đã hiện diện ngày càng nhiều hơn, rõ hơn thông qua sự tham gia phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Cách thức tiếp nhận, xử lý các vấn đề của cơ quan nhà nước hoàn toàn thay đổi thông qua quy trình số đã khắc phục hạn chế những bất cập tồn tại trước đây. Đặc biệt, ngoài cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp như Điện lực, Nhà máy nước, Ngân hàng... cũng đã tham gia vào hệ thống để cùng chung tay xử lý các vấn đề bất cập phát sinh trong hoạt động đời sống xã hội qua đó đưa Hue-S dần dần trở thành nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, các tham luận khẳng định, với tinh thần đổi mới của các DN hiện nay thì việc số hóa toàn diện là giải pháp không thể thiếu cho DN, đặc biệt là với chủ trương CĐS của Chính phủ, của tỉnh trong những năm gần đây. Các DN cần phải có sự chuẩn bị về tinh thần và tài chính, tạo nền móng vững chắc cho quá trình CĐS trong tương lai. Các nhà lãnh đạo, quản lý cần nâng cao chuyên môn về CĐS để đưa ra các quyết định thay đổi và đầu tư đúng đắn cho DN. Qua đó, làm rõ định hướng, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số (CĐS) trên nền tảng Hue-S; nhu cầu CĐS của cộng đồng DN và vai trò, cam kết của DN số tiên phong tích hợp các nền tảng hỗ trợ CĐS cho DN trên Hue-S.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Dương Tuấn Anh, cho biết, những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn trong cuộc sống xã hội hiện nay của CĐS, tác động đến mọi ngành nghề. Khẳng định, lợi ích của CĐS với DN là mở rộng tập hợp khách hàng và thị trường tiềm năng; gia tăng trải nghiệm khách hàng; sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu; tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự; tăng hiệu suất SXKD; ra quyết định nhanh chóng, chính xác cho hoạt động SXKD của DN… Với sự đồng hành của Hue-S và các đơn vị thanh toán điện tử, an ninh mạng và sự hỗ trợ của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng DN, mục tiêu CĐS trong DN của tỉnh sẽ đạt được những thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy DN nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khó khăn thách thức và nắm bắt những cơ hội thị trường mới để phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết, thời gian qua, tỉnh đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S là kết quả nổi bật của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai chuyển đổi số. Tỉnh đã và đang có những giải pháp, nguồn lực hỗ trợ cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh thực hiện CĐS nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD. Tỉnh cũng chú trọng đẩy nhanh việc CĐS của các DN, HTX, cơ sở SXKD; phát triển DN số trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn phục vụ công tác quản lý và chiến lược phát triển DN trên địa bàn tỉnh. Đánh giá và hỗ trợ thực hiện CĐS giúp các DN nâng cao hiệu quả SXKD, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số hướng đến xây dựng chính quyền số, chú trọng tăng cường mạnh công tác tích hợp ứng dụng, dịch vụ số của nhà nước lên Hue-S. Phối hợp đồng bộ các giải pháp sớm nâng cấp hạ tầng đồng bộ, đảm bảo vận hành hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh. Trọng tâm là phát triển hạ tầng số cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tại phiên chuyên đề đã diễn ra ký các biên bản hợp tác giữa BKAV, VNPay với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.