Theo đánh giá, Chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 81.15%, cao hơn 4.23% so với giá trị trung bình năm 2018 (đạt 76.92%) và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. Trong đó, đứng đầu (Nhóm A đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên) là tỉnh Quảng Ninh; Nhóm B (đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%) có 43 tỉnh, thành phố; 19 tỉnh, thành phố còn lại thuộc Nhóm C (đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%).
Theo Bộ Nội vụ, từ kết quả trên cho thấy, công tác CCHC năm 2019 tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt và có trọng tâm, trọng điểm. Các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đồng bộ và có nhiều đổi mới, sáng tạo. Trong quá trình triển khai thực hiện, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường khảo sát thực tế, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến để nghiên cứu, áp dụng tại bộ, địa phương mình, giúp kết quả CCHC có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, năm 2019, các bộ, địa phương đã chú trọng bố trí tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, giúp hoạt động của cơ quan nhà nước ngày càng công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình và chất lượng phục vụ nhân dân.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song công tác CCHC vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Công tác triển khai, xác định Chỉ số CCHC của một số ít các bộ, tỉnh chất lượng chưa cao, kết quả tự chấm còn thiếu chính xác, thiếu căn cứ, chưa đầy đủ tài liệu kiểm chứng, tiến độ triển khai chậm so với yêu cầu...
Công tác chỉ đạo điều hành CCHC, một số địa phương chưa hoàn thành 100% mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch năm đã đề ra; chưa xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra CCHC và chưa hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2019.
Về cải cách thể chế, một số tỉnh, thành phố còn tình trạng chậm xử lý các văn bản trái pháp luật đã được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý; về cải cách TTHC, vẫn còn tình trạng chưa thực hiện đúng quy định về ban hành TTHC theo thẩm quyền được giao; chưa kịp thời công bố, cập nhật TTHC theo quy định.
Về cải cách tài chính công, nhiều địa phương không hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN; chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận của thanh tra, kiểm toán về công tác tài chính - ngân sách; một số nơi chưa ban hành đầy đủ các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định. Về hiện đại hóa hành chính, còn nhiều địa phương chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo; một số địa phương có Cổng dịch vụ công chưa đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp.
Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố chưa kịp thời công khai đầy đủ nội dung, quy định TTHC trên Cổng dịch vụ công hoặc các Trang thông tin điện tử sau khi công bố; có nơi vẫn còn công khai các quy định TTHC tại văn bản đã hết hiệu lực thi hành, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu và thực hiện TTHC.
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, theo bảng xếp hạng tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm B và đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng, tăng 3 bậc so năm 2018, tỏn đó một số chỉ số thành phần xếp thứ hạng cao như: chỉ số Hiện đại hóa hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế đứng thứ nhất trong 63 tỉnh, thành (đạt 95,96%); chỉ số Cải cách TTHC đạt 94,37% (đứng thứ 13); chỉ số Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 94,12% (đứng thứ 14)... Đạt được kết quả này chính là nhờ sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của lãnh đạo tỉnh và sự đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu theo Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chỉnh phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính quyền điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025.
84,45% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ của cơ quan HCNN ở địa phương
Chỉ số SIPAS 2019 nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước dựa trên ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức. Thông qua đó, các cơ quan hành chính Nhà nước nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.Đây là năm thứ ba Chỉ số SIPAS được triển khai trong phạm vi cả nước.
Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019 (Chỉ số SIPAS 2019), 3 tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; 3 tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng. Thừa Thiên Huế xếp thứ 57/63, đạt 78,37 điểm.
Kết quả SIPAS 2019 chung của toàn quốc: Có 84,45% NDTC hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan HCNN ở địa phương, tăng gần 1,5% so với năm 2018, gần 2,3% so với năm 2017. Tỷ lệ NDTC hài lòng về tiếp cận dịch vụ là 86,48%, về thủ tục hành chính là 86,54%, về công chức là 85,62%, về kết quả dịch vụ là 88,56% và về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của NDTC là 73,66%. Tỷ lệ NDTC hài lòng về các yếu tố của quá trình cung ứng và kết quả dịch vụ công có sự tăng, giảm khác nhau, trong đó tiếp cận dịch vụ có số NDTC hài lòng tăng nhiều nhất và tiếp nhận, xử lý ý kiến GYPAKN giảm nhiều nhất qua 3 năm.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, kết quả Chỉ số SIPAS 2019 tương tự như Chỉ số SIPAS 2018 và Chỉ số SIPAS 2017, tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân và các tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.