Tìm kiếm tin tức
Công bố Quyết định và đón bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Phủ thờ và Lăng mộ Diên Khánh Vương
Ngày cập nhật 14/01/2020

Ngày 12/01/ 2020, tại Phủ Thờ Diên Khánh Vương, số 230 đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vĩ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Phủ thờ và Lăng mộ Diên Khánh Vương. Đây là di tích thuộc hệ thống phủ đệ gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển kinh đô Huế dưới thời nhà Nguyễn.

 

Đến dự có đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, UVBCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, lãnh đạo UBND thành phố Huế, UBND phường Vĩ Dạ, UBND phường An Tây và gia đình con cháu trong dòng tộc của ngài Diên Khánh Vương.

Diên Khánh Vương tên thật là Nguyễn Phúc Tấn (còn gọi là Nguyễn Phúc Thản), hoàng tử thứ bảy của vua Gia Long (1802 - 1820), mẹ là Chiêu Nghi Nguyễn Thị Điền (1780 - 1852). Ông sinh ngày 16 tháng 3 năm Kỷ Mùi (tức ngày 21-3-1799) tại thành Gia Định. Được sinh ra và lớn lên trong gia đình Hoàng tộc, ông được giáo dục rất khuôn phép, biết giữ lễ, hiếu thuận, luôn có tinh thần cầu tiến, là người cương trực, đức độ, khiêm tốn, lễ tiết, tính tình hiền hậu,...

Trải qua các đời vua từ vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông đã giúp triều đình bình ổn đất nước, gìn giữ nếp nhà được vua khen ngợi và nhiều lần ban thưởng. Năm Gia Long thứ 16 (1818), khi mới 19 tuổi ông được phong là Diên Khánh Công. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Diên Khánh Vương là người có tài và có đóng góp lớn. Dưới triều vua Tự Đức (1848 - 1883), ông “là người mở đầu, có công sáng tác lớn, vạch đường, dẫn lối” và cùng với Đào Tấn, Ngô Quý Đồng, Vũ Đình Phương… tham gia biên soạn vở trường thiên Vạn Bửu Trình Tường. Đây là bộ tuồng đồ sộ nhất, với 108 hồi, tác phẩm nặng về tư tưởng tôn quân, lấy trung hiếu, tiết nghĩa làm đạo lý; có một số hồi quen thuộc như: Bạch Đầu Công lăn lửa, Kim Anh Tử gặp Mộc Nữ La... chủ yếu được diễn trong Cung đình Huế, văn chương được vua Tự Đức khen là kỹ thuật như thần. Những đóng góp của Diên Khánh Vương và một số tác giả khác đã góp phần tô điểm cho nguồn thi ca xứ Huế, như mạch nguồn văn hóa chảy giữa lòng dân tộc. Ngày 23 tháng 6 năm Tự Đức thứ bảy (17-7-1854), Ông mất (thọ 56 tuổi) vua Tự Đức truy phong Diên Khánh Vương, cho tên thụy là Cung Chính.

Phủ Diên Khánh Vương nguyên được lập năm 1817, tọa lạc tại làng Vân Thê (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy), đến năm Tự Đức thứ 10 (1857), vua ban sắc ban cho cải kiến lên làng Vĩ Dạ (vị trí hiện nay), công tử Diên Lệnh xây dựng và sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ kiến trúc nhà rường truyền thống đồng thời gìn giữ nhiều hiện vật quý giá. Lăng mộ tọa lạc tại khu vực 5, phường An Tây, thành phố Huế. Trước đây khi ông mất (1854), việc tế điện đắp mộ, Triều Nguyễn chiếu cấp tiền để làm. Vua Tự Đức làm bài thơ để viếng. Những bài ơn dụ trước, sau và bài thơ của Vua làm được khắc vào bia, được quan ở Sử quán xét hành trạng và soạn văn bia ở trước mộ để lưu giữ.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này, ngày 3/1/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 19/QĐ-BVHTTDL về xếp hạng di tích Lăng mộ và Phủ thờ Diên Khánh Vương là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Có được điều này, làm cơ sở để di tích lịch sử Phủ thờ và Lăng mộ Diên Khánh Vương sẽ được chính quyền của tỉnh cùng con cháu trong dòng tộc quan tâm đầu tư, tôn tạo, phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di tích này nói riêng và các giá trị văn hóa, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã gửi lời chúc mừng đến tỉnh Thừa Thiên Huế cùng gia đình con cháu trong dòng tộc của ngài Diên Khánh Vương. Theo Bộ trưởng, đây là một việc làm có ý nghĩa, mang giá trị nhân văn cao cả, đáp ứng nguyện vọng của gia tộc, chính quyền và nhân dân.

 

thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.408.305
Truy cập hiện tại 573