Người cho rằng, “trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết với các tầng lớp nhân dân lao động khác”. Người chỉ rõ, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Theo Người, đoàn kết toàn dân là nền tảng căn bản, là quan điểm xuyên suốt của Đảng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”. Đoàn kết toàn dân tộc vừa là điều kiện tiên quyết, sống còn, vừa là tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ dừng lại trong nhận thức, mà phải được cụ thể hóa trong mọi bước đi, tình huống của cách mạng.
Người khẳng định, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc kết hợp chặt chẽ với đoàn kết quốc tế, tạo ra sức mạnh to lớn, vượt trội; nghĩa là, cách mạng muốn thành công phải có lực lượng và lực lượng đó phải đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù, xây dựng thành công xã hội mới. Trong thời đại mới, kẻ thù của cách mạng mang tính quốc tế, cách mạng mỗi nước là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới. Do đó, cách mạng muốn thành công phải có lực lượng mạnh mẽ ở trong nước, đồng thời phải có sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế.
Kế thừa, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo, thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, người Việt Nam ở nước ngoài... nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta xác định xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm này được Đảng đề ra từ Đại hội VI (năm 1986) và không ngừng được bổ sung, phát triển qua mỗi kỳ Đại hội Đảng.
Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc đã được nâng lên một bước phát triển mới, trong Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) về đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất. Nghị quyết đã thể hiện sự kế thừa và phát triển tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định yếu tố dân tộc là một đặc điểm cực kỳ quan trọng, đồng thời chỉ rõ phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, đưa khối đại đoàn kết toàn dân tộc lên tầm cao mới.
Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, Đảng ta luôn luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân. Đó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại hội X nhấn mạnh: “Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế là một bài học kinh nghiệm của cách mạng nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, xác định tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.