Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Quảng Điền cho biết, đợt mưa lũ đã làm hơn 2.000 nhà dân bị ngập; thiệt hại nhiều diện tích hoa màu của người dân. Hiện nay, nước đang tiếp tục xuống chậm, vẫn còn nhiều tuyến đường liên xã và các tuyến đường nội thôn vùng thấp trũng (Quảng Phú, Quảng Vinh, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Thành, thị trấn Sịa) bị ngập từ 20-70cm, giao thông vẫn còn bị chia cắt. Toàn huyện có 23/49 trường học bị ngập. Huyện Quảng Điền đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung rà soát, thống kê kịp thời tình hình thiệt hại sau khi nước rút để chủ động triển khai các phương án khắc phục kịp thời. Đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết, bị thương; thăm và tặng quà cho 30 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ngập sâu. Với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, đồng thời chỉ đạo ngành y tế hướng dẫn các địa phương các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ. Chỉ đạo ngành giáo dục rà soát cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo khác để tổ chức dạy học lại ngay sau khi nước rút.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong phòng chống lũ lụt của huyện Quảng Điền. Đồng thời, chỉ đạo sát sao công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ của huyện và cảnh báo về một số dịch bệnh có thể xảy ra sau lũ lụt, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch và gia tăng nguy cơ mắc bệnh của người dân sau ngập lụt.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị huyện Quảng Điền tiếp tục tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại tất cả các tuyến. Rà soát lại kịch bản về phòng chống dịch, kịch bản về phòng chống thiên tai. Bố trí lực lượng, phương tiện phải hết sức linh hoạt, có đủ nhân sự phục vụ người dân trong lũ lụt. Cơ chế phối hợp với các cơ sở y tế trung ương; cơ chế vận hành của các trạm y tế, nâng cao năng lực y tế cấp thôn; bố trí đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh và cho khám chữa bệnh phục vụ người dân sau ngập lụt. Tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, hạn chế phát sinh dịch bệnh sau ngập lụt.
Về giáo dục và đào tạo, cần có kế hoạch, kịch bản chi tiết, cụ thể cho từng điểm trường; nắm chắc tình hình mưa lũ để có những giải pháp đảm bảo an toàn khi học sinh đến trường; tổ chức vệ sinh môi trường, dọn dẹp vệ sinh trường học bị ngập lụt, có kế hoạch bồi dưỡng, dạy phụ đạo để đảm bảo chất lượng cho các em học sinh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng yêu cầu cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến với người dân, để người dân nắm bắt thông tin, chủ động trong phòng chống, ứng phó với những diễn biến của mưa lũ. Theo dự báo do ảnh hưởng của bão số 6 sắp đến nên sẽ có mưa lớn, khả năng ngập lụt trở lại, lãnh đạo huyện Quảng Điền cần chỉ đạo các địa phương triển khai theo công điện, chỉ đạo của tỉnh, chủ động, bố trí phương tiện, đảm bảo cơ sở vật chất và lương thực thực phẩm ứng phó với những diễn biến của mưa lũ trong thời gian đến nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.