Tìm kiếm tin tức
Công tác hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, hiệu quả
Ngày cập nhật 14/07/2020

Sáng ngày 13/7, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Tư pháp, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị.

 

Tham gia chủ trì  hội nghị có Bí thư trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư trung ương Đảng, Chánh án tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế; tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Ban dân vận tỉnh ủy, khối Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, thời gian qua, các hoạt động hòa giải trong và ngoài tố tụng đã có bước phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân. Thông qua hòa giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, từ đó hình thành ý thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác hòa giải ở cơ sở cũng thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai mong muốn, trên cơ sở kết quả đạt được, qua hội nghị này sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu để hoạt động hòa giải tiếp tục có bước đổi mới, tiến bộ hơn, hiệu quả hơn góp phần cho công tác dân vận; giảm bớt vụ, việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; giảm bớt số vụ, việc dân sự, khiếu kiện hành chính, tranh chấp lao động phải xét xử tại Tòa án; giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng hướng về những mục tiêu lớn hơn của đất nước.

Tại hội nghị, Bộ Tư pháp báo cáo về kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đại diện lãnh đạo Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo về vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và báo cáo về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án của đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, tập trung trao đổi và thảo luận xoay quanh các vấn đề trong hoạt động hòa giải tại cơ sở qua các báo cáo nêu trên.

Theo Bộ Tư pháp, qua 06 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống nhân dân nhân văn, ít tốn kém và hiệu quả bền vững. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời; không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp.

Trong 5 năm qua, gần 900.000 vụ, việc đã được tiến hành hòa giải với tỷ lệ 80,6% hòa giải thành đã mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm, góp phần cho sự bình yên, ổn định, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư.

Tuy nhiên, hoạt động hòa giải ở cơ sở vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và tại báo cáo Bộ Tư pháp đã tham mưu, đề xuất cần thực hiện tốt những giải pháp như: Các cấp ủy đảng, chính quyền cần phải xác định hòa giải ở cơ sở là một hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp, thực sự có hiệu quả tại cơ sở; phải coi đây là phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó coi hòa giải ở cơ sở là một bộ phận của công tác dân vận; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở; đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp như đội ngũ luật sư, luật gia, cán bộ công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” được ban hành theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ…

 

Trần Đình Tuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.407.230
Truy cập hiện tại 512