Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị này không chỉ đánh giá tình hình 6 tháng qua mà cả định hướng chỉ đạo, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế. Theo Thủ tướng, việc sớm ngăn chặn được dịch bệnh tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Thế giới đánh giá cao thành quả phòng, chống dịch bệnh của nước ta. Đây là thành công lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Hội nghị quán triệt phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát sớm dịch bệnh. “Một tinh thần chỉ đạo kiên quyết không để COVID-19 quay lại nước ta nhưng đồng thời chúng ta phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là những đối tác lớn, quan trọng của nước ta. Những ngày gần đây dịch lan rộng và chưa dự báo được thời điểm kết thúc.
Nhìn tổng thể, theo Thủ tướng, nước ta có một số điểm sáng quan trọng. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế. Xuất siêu 4 tỷ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng, thu ngân sách đạt khá. Tỷ giá ổn định. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, tháng 5 tăng 11,9% so với tháng 4 và tháng 6 tăng 10,3% so với trong tháng 5. Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành nghề chế biến, chế tạo cho thấy đa số doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh quý III sẽ ổn định và tốt hơn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6 tăng 27,9%.
Tính chung 6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4%. Đời sống nhân dân được bảo đảm, số hộ thiếu đói giảm đến 74,6% so với cùng kỳ.
Nhìn nhận tình hình còn rất khó khăn, Thủ tướng đặt vấn đề, trong bối cảnh ấy chúng ta phải làm gì để bước vào trạng thái bình thường mới, đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt.
Nhắc lại “mục tiêu kép”, không để dịch bệnh trở lại, xóa đi thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hợp tác, quyết tâm vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành.
Tại hội nghị, Thủ tướng gợi mở một số vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận như: làm sao để duy trì ổn định vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo điều hành, củng cố niềm tin của người dân, của doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển kinh tế-xã hội; Tập trung chính sách tài khóa và tiền tệ, kích cầu thúc đẩy tăng trưởng; giải ngân vốn đầu tư công; mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa; hoàn thiện các quy định pháp luật và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị; thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI và phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương.
Thủ tướng đề nghị các địa phương, các bộ, ngành kiến nghị những giải pháp cụ thể hơn nữa để phát huy vai trò, động lực của các địa phương, nhất là các "đầu tàu kinh tế", các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn. Phải có giải pháp mạnh hơn, đồng bộ để vực dậy khu vực dịch vụ, du lịch, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh hiện nay.
Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, các ngành phản ánh, thảo luận việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11, Nghị quyết số 42 và đặc biệt Quyết định số 15 của Thủ tướng khi ông được biết có nhiều vướng mắc, doanh nghiệp không vay được tiền, một số đối tượng không được hỗ trợ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành báo cáo, đề xuất, kiến nghị cụ thể, nên bãi bỏ ngay những quy định bất hợp lý trong thẩm quyền của Bộ và Chính phủ, phải xử lý nghiêm những bộ phận, những cán bộ gây nhũng nhiễu, tiêu cực với doanh nghiệp và người dân.
Tại Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tổng sản phẩm trong tỉnh - GRDP (theo giá so sánh 2010) ước đạt 14.595 tỷ đồng, chiếm 43,56% kế hoạch, tăng 0,38% so với cùng kỳ ; đạt ở mức trung bình so với các tỉnh/thành trong vùng duyên hải miền Trung. Trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách đến Huế ước đạt khoảng 1.136,6 nghìn lượt, giảm 45,4% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 19.668,6 tỷ đồng, giảm 5,65% so với cùng kỳ; đạt khoảng 40,9% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 292,5 triệu USD, giảm 48,9% so với cùng kỳ; ước đạt 26,6% kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 3.768,8 tỷ đồng, bằng 50% dự toán và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng còn lại, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục ưu tiên cho công tác phòng, chống và ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch COVID-19; tập trung ưu tiên các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh; triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới; hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; đẩy mạnh phát triển du lịch và ưu tiên các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch; Thực hiện điều hành thu chi ngân sách hiệu quả...
|