Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực
Đặt vấn đề tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, đây là lần đầu tiên chính quyền địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các trường Đại học trên địa bàn tổ chức gặp mặt hơn 500 học sinh khối lớp 11 và 12 thuộc các trường THPT trong tỉnh có nhu cầu, đam mê thi vào các trường có đào tạo lĩnh vực CNTT. Hy vọng những thông điệp, thông tin các em tiếp thu được tại hội nghị này sẽ được lan tỏa cho các bạn, định hướng đúng ngành nghề các em lựa chọn và theo đuổi. Đồng thơi sẽ giải đáp các vướng mắc, định hướng về cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho các em trong lĩnh vực CNTT.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tất cả chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT, nhu cầu về ngành CNTT là rất lớn, vì vậy cần phải có kế hoạch phát triển và đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Thừa Thiên Huế đang phấn đấu xây dựng và phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ chính trị trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Để CNTT thật sự đột phá đòi hỏi cần phải có sự thay đổi về tư duy và nhận thức, thay đổi về cách nhìn, cách định hướng nghề nghiệp, cũng như cách đầu tư cho ngành CNTT.
Để đáp ứng sự phát triển của ngành CNTT, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề án phát triển nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh với mục tiêu đến hết năm 2020, đào tạo và huy động hơn 2.000 nhân lực CNTT làm việc tại Huế; phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.000 lao động CNTT phục vụ phát triển Công nghiệp phần mềm. Cùng với đó, sẽ xây dựng và thực hiện được giải pháp, chiến lược phối hợp đào tạo nguồn nhân lực CNTT giữa nhà nước, cơ sở đào tạo, thị trường lao động CNTT cho tỉnh một cách hiệu quả, bền vững và lâu dài.
Đính hướng, cam kết chất lượng đào tạo và nhu cầu việc làm
Tại buổi gặp mặt, hơn 500 học sinh THPT đã được nghe đại diện các trường Đại học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT định hướng về phát triển ngành CNTT của tỉnh Thừa Thiên Huế; chia sẻ cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT, đồng thời được đặt những câu hỏi trực tiếp đến lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan về những vấn đề các em quan tâm. Đã có hơn 100 lượt câu hỏi trực tiếp và qua hệ thống tin nhắn liên quan đến các nội dung như: Tỷ lệ sinh viên học CNTT có việc làm sau khi ra trường như thế nào? UBND tỉnh có chính sách gì để thu hút các nhà đầu tư vào Huế và đảm bảo đầu ra cho sinh viên?... Thực hành và lý thuyết trong trường học còn hạn chế, vậy có các biện nào để học sinh có thể ứng dụng CNTT sau khi tốt nghiệp đại học? Khi chọn trường đại học CNTT ở Huế, nhiều học sinh băn khoăn khi ra trường xin việc sẽ khó khăn hoặc chế độ đãi ngộ không bằng các tỉnh khác.
Trả lời những câu hỏi cho các em, đại diện các trường Đại học và doanh nghiệp đều cho rằng, hiện nay nhu cầu về ngành IT ở Huế khá cao, gần như sinh viên ra trường là có cơ hội việc làm ngay. Với việc tỉnh đang thực hiện kế hoạch kêu gọi đầu tư về CNTT, thúc đẩy phát triển CNTT một cách mạnh mẽ, đưa công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương nên nhu cầu hình thành đội ngũ lao động công nghệ thông tin là cấp bách, đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh đang nỗ lực phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Để phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu xã hội, các trường đều cam kết sẽ đổi mới phương pháp dạy và học để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đầu vào, đảm bảo chất lượng đầu ra ổn định.