Năm 2019, các khu rừng tự nhiên xung yếu trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát và hạn chế được tình trạng chặt phá rừng; ổn định độ che phủ rừng của tỉnh, hiện đạt mức 57,37%. Việc duy trì lực lượng phối hợp và tăng cường quản lý chặt chẽ người vào rừng tại các vị trí huyết mạch có vai trò quyết định trong việc bảo vệ rừng tận gốc.
Trong đó, năm 2019 đã xảy ra 30 vụ cháy rừng gây thiệt hại 226,58 ha, tăng 213,23 ha so với năm 2018. Qua thực tế tổ chức cứu chữa cháy rừng các vụ cháy lớn đã bộc lộ một số tồn tại như: Các vụ cháy lớn đều có chung nguyên nhân là phát hiện không kịp thời, hoặc phát hiện kịp thời nhưng không triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn. Việc huy động lực lượng và tổ chức chữa cháy rừng các vụ cháy đã bộc lộ nhiều bất cập. Không ít vụ cháy, sự thờ ơ của người dân địa phương chỉ đến để xem lực lượng chức năng chữa cháy…
Lực lượng Kiểm lâm và các chủ rừng cùng chính quyền địa phương đã phối hợp thực hiện 529 đợt truy quét với 13.986 công, lập biên bản xử lý 271 vụ vi phạm, tịch thu 170,98 m3 gỗ, 23 máy cưa xăng, 02 máy tời gỗ, 76 xăm ô tô, tháo dỡ 162 lán trại và 2.317 bẫy các loại.
Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm lâm địa bàn và lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng đã sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng qua ảnh viễn thám, nhập và truyền dữ liệu trực tuyến, truy xuất báo cáo, góp phần kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm lấn rừng.
Thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2020, các đơn vị tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Kiểm lâm với lực lượng vũ trang và các lực lượng khác trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng và xử lý các tình huống khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng”, “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, để bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, chủ động phát hiện sớm cháy rừng, kịp thời ứng phó, huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy hiệu quả, an toàn, hạn chế thấp nhất số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta phải nhìn nhận các tồn tại, đưa ra được các giải pháp khắc phục cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị cần nâng cao năng lực và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về rừng và đất rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch huy động các lực lượng Công an, Quân đội phối hợp với Kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản và đất sản xuất trái phép, giải quyết dứt điểm các tụ điểm phá rừng ngay từ khi mới manh nha. Tổ chức xây dựng phương án PCCCR năm 2020 và thi công các công trình PCCCR, chú trọng vệ sinh rừng các khu rừng cảnh quan, vùng trọng điểm cháy trong phạm vi diện tích quản lý, để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng ngừa từ xa. Đồng thời, các chủ rừng thực hiện tốt hơn nữa vai trò chủ rừng trong việc kiểm soát lâm phận của đơn vị mình, gắn trách nhiệm của chủ rừng trong việc để xảy ra các vụ việc trong phạm vi đơn vị quản lý; chủ động để truy quét và có kế hoạch phối hợp tốt với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng phá rừng và lấn chiếm rừng
Dịp này, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng Giấy khen cho 04 tập thể và 06 cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2019 (ảnh dưới).