Thông tin về tình hình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, các lĩnh vực văn hóa- xã hội trên địa bàn có nhiều tiến bộ, tạo môi trường văn hóa phong phú, phục vụ tốt nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ cho nhân dân. Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức sôi động, hấp dẫn. Đặc biệt, qua 10 kỳ Festival Huế được tổ chức thành công, đặc sắc, chất lượng đã góp phần khẳng định vị thế chính trị, văn hóa và du lịch, là động lực phát triển toàn diện kinh tế- xã hội của tỉnh. Nhiều dự án du lịch và vui chơi giải trí được phát triển, các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, homestay, nhà vườn được triển khai trên địa bàn. Tổng lượng khách du lịch đến Huế 9 tháng qua đạt trên 3,7 triệu lượt, tăng 6%; khách quốc tế 1,55 triệu lượt, tăng 9,4%.
Công tác quản lý và phát huy các thiết chế văn hóa bảo tàng đi vào chiều sâu. Hiện các bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản 62.969 tư liệu và hiện vật. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đạt nhiều kết quả. Đến nay, Thừa Thiên Huế đã có gần 1.000 di tích, địa điểm được kiểm kê, lập hồ sơ, trong đó có 7 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh.
Về Festival Huế năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với tinh thần đổi mới, theo mục tiêu người dân làm chủ lễ hội, Festival năm 2020 sẽ được tổ chức với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển- Huế luôn luôn mới”.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ trưởng tiếp tục quan tâm tới các vấn đề phát triển văn hóa, du lịch, bảo tồn di tích... của địa phương trong thời gian tới. Đặc biệt, Huế đề nghị Bộ hỗ trợ trong triển khai Dự án Quy hoạch bảo tồn Quần thể di tích Cố đô Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm tiếp tục bảo tồn, khai thác phát huy giá trị hiệu quả di sản quan trọng này. Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch; phát triển liên kết vùng...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, Huế là địa phương rất quan tâm tới các vấn đề về văn hóa và di tích. Đã có nhiều mô hình hay, phát triển bền vững. Những di tích, di sản của Cố đô đã trở thành thế mạnh, tạo sức thu hút đối với đông đảo khách du lịch đến Huế trong nhiều năm qua.
Về câu chuyện phát triển du lịch của Huế, theo Bộ trưởng, Huế trước đây là địa chỉ trọng điểm thu hút khách, tuy nhiên hiện nay phải cạnh tranh với nhiều địa phương phát triển về sau. Vì thế, cũng không lạ khi du lịch của Huế đã không còn nhiều thu hút như xưa. Bộ trưởng lưu ý, Huế cần tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch. Có giải pháp thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ. Đặc biệt, cần tìm kiếm và phát triển các sản phẩm du lịch mới; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Về phát triển TDTT, theo Bộ trưởng, Huế cần tập trung hướng tới những giải thi đấu gây tiếng vang, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương.
Đặc biệt, đối với các lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng nhấn mạnh Huế là vùng đất cố đô, sở hữu nhiều giá trị di sản văn hóa lâu đời. Kho tàng đó cần được bảo tồn, phát huy, trở thành sức mạnh để quảng bá, phát triển du lịch, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, xã hội của địa phương. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ nhiều hơn cho các lĩnh vực văn hóa, nhất là các đoàn nghệ thuật truyền thống, đội ngũ văn nghệ sĩ. Đồng thời, quan tâm thiết thực tới các thiết chế văn hóa như thư viện, bảo tàng, nhà hát...
Về Festival Huế năm 2020, Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL hết sức ủng hộ và mong rằng trên nền tảng thành công của những kỳ Festival trước, Huế cần tiếp tục kế thừa, chọn lọc và đổi mới để có được những lễ hội văn hóa đặc sắc trong những năm tiếp theo, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới.
Bộ trưởng cũng đề nghị các Tổng Cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ cần tạo điều kiện quan tâm, hỗ trợ Huế phát triển trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao, gia đình...