Tìm kiếm tin tức
Loạt chính sách thiết thực về y tế, giáo dục có hiệu lực từ tháng 10/2019 mọi người cần biết.
Ngày cập nhật 01/10/2019

Từ tháng 10 nhiều chính sách mới liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội bắt đầu có hiệu lực.

 

Giáo viên mầm non phải học cách quản lý cảm xúc

Theo đó, chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non và sẽ được thực hiện từ ngày 12/10/2019 đối với tất cả giáo viên trên địa bàn Hà Nội.

Chương trình bồi dưỡng này được tổ chức hàng năm với các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp như: Rèn luyện phong cách làm việc khoa học; Đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở mầm non; Kỹ năng sơ cứu trẻ em… và đặc biệt là cách quản lý cảm xúc của bản thân.

Mỗi giáo viên phải tham gia Chương trình bồi dưỡng với thời lượng 120 tiết/năm học.

Thông qua biện pháp này, Bộ GD&ĐT mong muốn tất cả giáo viên mầm non trên cả nước được rèn luyện những kỹ năng cơ bản trong việc chăm sóc trẻ, nhằm hạn chế tối đa, ngăn chặn tình trạng bạo lực trẻ mầm non liên tiếp xảy ra trong những năm trở lại đây.

Giám đốc Sở GDĐT không bắt buộc tốt nghiệp Đại học sư phạm

Từ ngày 24/10/2019, quy định về tiêu chuẩn đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND cấp tỉnh sẽ được áp dụng theo Thông tư 13/2019/TT-BGDĐT.

Theo đó, bên cạnh các tiêu chuẩn chung như: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Có năng lực tập hợp quần chúng… người được xem xét bổ nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng sau:

Tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Đã đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo hoặc chức vụ tương đương trở lên.

Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và chức danh tương đương.

Ngoài ra, cần lưu ý với 02 trường hợp:

- Nữ từ đủ 50 tuổi trở lên, nam từ đủ 55 tuổi trở lên đã được bổ nhiệm giữ chức danh Giám đốc Sở GDĐT trước ngày 24/10/2019 thì không yêu cầu phải đủ các tiêu chuẩn nêu trên;

- Nữ dưới 50 tuổi, nam dưới 55 tuổi đã được bổ nhiệm chức danh này trước ngày 24/10/2019 nhưng chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì phải bảo đảm đáp ứng đủ trong nhiệm kỳ.

Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình

Thông tư 21/2019/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

Thông tư này nêu rõ, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình sau khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình.

Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.

Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 03 tháng.

Bày bán thuốc diệt côn trùng chung với thực phẩm bị phạt 3 triệu

Từ ngày 15/10/2019, Nghị định 71/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp sẽ có hiệu lực.

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng nếu có các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán chế phẩm côn trùng, diệt khuẩn như sau:

- Bày bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không tách biệt với nơi bày bán các loại thực phẩm;

- Điều kiện bảo quản chế phẩm không đáp ứng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn;

- Không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp sai về các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, gây hại cho sức khỏe…

Ngoài bị phạt tiền, người nào vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 01 - 03 tháng.

Quy định tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông

Thông tư 31/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về tốc độ của xe khi tham gia giao thông có hiệu lực ngày 15/10, quy định xe máy, ôtô khi chạy trong khu vực đông dân cư được phép chạy tối đa 60 km/h nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên; 50 km/h nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có một làn xe.

Trường hợp ở ngoài khu vực dân cư và trên đường đôi có 2 làn trở lên, xe máy được chạy tối đa 70 km/h, ôtô chạy 90 km/h.

Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40 km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào.

56 loại phụ gia phẩm màu được dùng trong thực phẩm

Nội dung này nằm trong Thông tư số 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, áp dụng từ ngày 16/10/2019.

Cụ thể, tại Thông tư này, Bộ Y tế công nhận 56 loại phụ gia phẩm màu được phép dùng trong thực phẩm, như: Curcumin; các bon thực vật; màu ngô tím; màu bắp cải đỏ và hàng trăm phụ gia khác là chất bảo quản, chất điều vị, chất tạo ngọt…

Khi sử dụng phụ gia, phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định:

- Phụ gia thực phẩm phải là loại được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm;

- Không vượt quá mức sử dụng tối đa;

- Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia cần thiết để đạt được hiệu quả như mong muốn…

 

Trần Đình Tuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.408.604
Truy cập hiện tại 10